Thính giác của bạn
Giữ cho thính lực của bạn luôn khỏe mạnh là điều vô cùng cần thiết. Thính giác là giác quan thường bị đánh giá thấp, không được chú trọng và đặc biệt dễ bị tổn thương nhưng lại có tầm quan trọng đặc biệt trong đời sống xã hội và cho phép bạn duy trì kết nối với những người xung quanh.
Tai hoạt động như thế nào?
Điều đáng ngạc nhiên là thính giác của chúng ta cho phép chúng ta giữ thăng bằng cơ thể ! Cụ thể, tai trong gồm có 2 bộ phận :
- Tiền đình là cơ quan thông báo cho não về vị trí của đầu. Rối loạn tiền đình có thể gây chóng mặt.
- Ốc tai có vai trò chuyển hóa các rung động âm thanh được truyền qua màng nhĩ và chuỗi xương con thành các xung thần kinh (xung điện) giúp não hiểu được âm thanh.
Thính giác, 1 trong 5 giác quan của con người, cùng với thị giác và khứu giác, là giác quan cho phép chúng ta tìm thấy đường đi trong không gian. Nếu nhờ có thị giác, một người có thể xác định được vị trí của mình : trong trung tâm mua sắm, trong rừng hoặc trong thị trấn, thì thính giác cho phép chúng ta nghe thấy tiếng một chiếc ô tô đang đến gần hay phát hiện một nhóm người đang thảo luận, nói chuyện với nhau. Nhờ khứu giác, chúng ta sẽ có thể ngửi được và đánh giá được nơi đó sạch hay bẩn. Do đó, ba giác quan này giúp bạn có thể hiểu rõ những gì đang xảy ra xung quanh mình.
Thính giác cũng có ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất, giấc ngủ và cảm xúc.
Vai trò của thính giác
Giao tiếp
Thính giác là công cụ giúp chúng ta trao đổi, giao tiếp với người khác, cần thiết cho các mối quan hệ của con người, cho phép chúng ta giao tiếp và tương tác với người thân và ban bè xung quanh, cập nhật thông tin về môi trường xung quanh, tạo liên kết với thế giới bên ngoài và do đó có thể tận hưởng cuộc sống một cách trọn vẹn với nhiều hoạt động xã hội năng động.
Nghe tốt để tận hưởng cuộc sống một các trọn vẹn !
Để cảnh báo
Thính giác tốt giúp bảo vệ bạn khỏi những tình huống nguy hiểm hàng ngày. Nghe thấy tiếng ô tô đang lao đến hoặc một vật rơi xuống sẽ kích thích phản xạ bảo vệ trong chúng ta.
Vấn đề về thính giác không nên được xem nhẹ, vì rối loạn thính lực có thể gây căng thẳng, mệt mỏi và khó chịu do người bệnh phải nỗ lực nhiều hơn trong việc cố gắng nghe để hiểu người khác đang nói gì.
Suy giảm thính lực
Có nhiều yếu tố có thể gây suy giảm thính lực. Các nguyên nhân này có thể liên quan đến chấn thương do tiếng ồn, tiếp xúc với tiếng ồn lớn và trong thời gian dài, các bệnh nhiễm trùng như viêm tai, các bệnh khác như tiểu đường hoặc tăng huyết áp và các chất gây độc cho tai như chì, rượu và một số loại kháng sinh.
Nhưng nguyên nhân chính là do sự lão hóa tự nhiên của hệ thống thính giác, biểu hiện sau tuổi 50, còn được gọi là bệnh lão thính. Do người bị lão thính chủ yếu bị suy giảm thính lực ở tần số cao nên việc nghe hiểu các từ trở nên khó khăn hơn.
Thính giác và não được liên kết như thế nào?
Ở những người bị suy giảm thính lực dù nhẹ hay nặng, tình trangh mất thính lực có thể dẫn đến giảm kết nối xã hội. Cụ thể hơn, não ít bị kích thích hơn vì các tín hiệu âm thanh (chẳng hạn như lời nói của những người bạn nói chuyện cùng) chỉ truyền được một phần đến não. Nếu sự cô lập kéo dài, người bệnh có thể mất một phần khả năng nhận thức hoặc thậm chí mắc chứng mất trí nhớ.
Vì vậy, những nghiên cứu gần đây nhất cho thấy tình trạng mất thính lực không được điều trị có thể làm tăng nguy cơ suy giảm nhận thức. Tìm hiểu thêm về Mối liên hệ giữa suy giảm thính lực và suy giảm nhận thức.
Tuy nhiên, một người khiếm thính, dù là do bẩm sinh hay bị khiếm thính khi còn trẻ, có thể học các cách giao tiếp khác (ví dụ như ngôn ngữ ký hiệu) để đảm bảo có thể kết nối với những người xung quanh.
Điều quan trọng nhất là giữ cho não hoạt động, đó là lý do tại sao một người bị suy giảm thính lực dần dần (như trường hợp mắc bệnh lão thính) có thể đeo máy trợ thính để tiếp tục tương tác dễ dàng với những người thân, bạn bè xung quanh và giữ cho não luôn hoạt động, phòng ngừa chứng suy giảm nhận thức một cách hiệu quả.