Hãy cẩn thận với điếc đột ngột và chấn thương âm thanh

Chấn thương âm thanh và rối loạn thính giác

Chấn thương âm thanh xảy ra sau khi tai tiếp xúc một cách đột ngột hoặc tiếp xúc trong thời gian kéo dài với âm thanh có cường độ lớn quá mức và có thể làm hỏng tai trong. Chấn thương âm thanh có thể xảy ra đột ngột (ví dụ như sau một vụ nổ) hoặc dần dần, tăng dần mức độ nghiêm trọng theo thời gian (do tiếp xúc với những âm thanh có cường độ quá lớn với nhiều lần lặp lại). Từ suy giảm thính lực đơn thuần, chấn thương âm thanh có thể nghiêm trọng tới mức gây điếc đột ngột một bên hoặc hai bên tai.

Các triệu chứng của chấn thương âm thanh

Triệu chứng phổ biến để xác định một người bị chấn thương âm thanh là người này suy giảm thính lực đột ngột. Đó là tình trạng người này đột nhiên nghe kém đi đối với một bên tai hoặc cả hai bên tai. Suy giảm thính lực do chấn thương âm thanh thường đi kèm với chứng ù tai hoặc cảm giác bị nặng tai. Ngoài ra, chấn thương âm thanh cấp tính còn có các triệu chứng khác như chóng mặt, mất thăng bằng và hiếm gặp hơn là quá mẫn cảm, nhạy cảm với tiếng ồn hoặc bị đau trong tai.

Việc thực hiện các bài kiểm tra khác nhau giúp xác định nguồn gốc của tình trạng suy giảm thính lực đột ngột. Bằng cách sử dụng ống soi tai, bác sĩ có thể kiểm tra xem trong ống tai của bệnh nhân có nút ráy tai hay không. Các bài kiểm tra đo thính lực sau đó được sử dụng để đánh giá mức độ nghe kém cũng như các dải tần số mà bệnh nhân bị suy giảm thính lực.

Phản ứng với âm thanh lớn

Khi có một tiếng ồn rất lớn đi vào trong tai, tiếng ồn sẽ khiến màng nhĩ rung lên. Một cách tự nhiên, hệ thống thính giác biết cách tự bảo vệ mình khỏi những âm thanh quá lớn này : cơ chế tự bảo vệ này được gọi là phản xạ cơ bàn đạp, còn được gọi là phản xạ cơ tai giữa.

Cơ bàn đạp, hoạt động trên xương bàn đạp (một trong ba xương của chuỗi xương con), co lại, ngăn chặn sự khuếch đại của sóng âm và từ đó bảo vệ tai trong khỏi tiếng ồn lớn. Về mặt cơ học, việc tăng 10 decibel nguồn âm thanh sẽ chỉ dẫn đến việc truyền thêm 3 decibel (dB) đến tai trong.

Tuy nhiên, cũng giống như tất cả các loại cơ bắp khác, cơ bàn đạp sẽ ngày càng nhức mỏi, không thể tiếp tục chống chịu được và sẽ duỗi ra nếu tiếng ồn có cường độ ngày càng lớn :

  • ở 121 dB, cơ bàn đạp chống chịu được 7 giây (cơ bàn đạp duỗi ra sau 7 giây),
  • ở 109 dB, cơ bàn đạp chống chịu được 1 phút 52 giây (cơ bàn đạp duỗi ra sau 1 phút 52 giây),
  • ở 100 dB, cơ bàn đạp chống chịu được trung bình khoảng 15 phút (cơ bàn đạp duỗi ra sau khoảng 15 phút)

Nếu vượt quá các khoảng thời gian trên, tai trong sẽ bị tổn thương và không thể bình phục lại được. Các tế bào lông bên trong ốc tai (cơ quan thính giác của tai trong) chết đi và một số âm thanh sẽ không còn được truyền đến não nữa.

Việc tai tiếp xúc với âm thanh lớn sẽ dẫn đến tình trạng suy giảm thính lực dần dần kèm theo tiếng ù trong tai, biến dạng âm thanh và/hoặc các chứng rối loạn thính giác khác. Trong những trường hợp nghiêm trọng hơn, chấn thương âm thanh có thể dẫn đến điếc đột ngột.

Điếc đột ngột một bên tai

Hiện nay, vẫn chưa xác định được nguồn gốc chính xác của tình trạng điếc đột ngột. Tuy nhiên, rối loạn tuần hoàn trong các mạch máu nhỏ của tai được xem là lời giải thích hợp lý nhất.

Tai trong được cấu thành từ ốc tai (cơ quan ốc tai) và cơ quan tiền đình. Tín hiệu âm thanh được ghi lại trong các tế bào cảm thụ âm thanh của cơ quan Corti và được chuyển đổi thành tín hiệu thần kinh. Rối loạn tuần hoàn máu trong tai trong ngăn cản việc cung cấp đủ chất dinh dưỡng và oxy cho các tế bào thông cảm thụ âm thanh. Hậu quả là các tế bào cảm thụ âm thanh không thể hoàn thành vai trò của mình, trở nên suy kiệt nếu nguồn cung cấp máu không trở lại bình thường và cuối cùng sẽ chết đi. Nếu các tế bào lông cảm thụ âm thanh không còn có thể tiếp nhận và truyền thông tin như bình thường, thì người đó sẽ không còn nghe thấy âm thanh ở một số hoặc tất cả các dải tần số thông qua các tế bào lông bị hư hỏng.

Chấn thương âm thanh cấp tính

Chấn thương âm thanh đột ngột và dữ dội, còn được gọi là chấn thương âm thanh cấp tính, thường có thể gây ra tổn thương ngay lập tức và rất nghiêm trọng, bao gồm thủng màng nhĩ hoặc suy giảm thính lực đột ngột.

Kiểu chấn thương âm thanh cấp tính này có thể xảy ra sau khi nghe hòa nhạc quá lớn, sau một lần đi chơi ở hộp đêm, sau khi chuông báo động được kích hoạt không đúng lúc. Các triệu chứng cho thấy một người bị chấn thương âm thanh cấp tính là :

  • Quá mẫn cảm, nhạy cảm với tiếng ồn
  • Đau đầu
  • Buồn nôn
  • Ù tai (tiếng rít, tiếng vo ve trong tai)

Chấn thương âm thanh và suy giảm nhận thức

Suy giảm thính lực có liên quan mật thiết với nguy cơ suy giảm nhận thức và chứng mất trí. Có nhiều nghiên cứu khoa học được thực hiện đã làm rõ và chứng minh cho mối liên hệ này. Những bệnh nhân bị suy giảm thính lực đột ngột có nguy cơ suy giảm nhận thưc cao hơn những người khác. Suy giảm thính lực có thể trở thành yếu tố rủi ro dẫn đến suy giảm nhận thức đối với bệnh Alzheimer vì nó có thể khiến một phần não dễ bị tổn thương hơn. Do đó, điều quan trọng là phải can thiệp nhanh chóng để khắc phục hiệu quả tình trạng suy giảm thính lực.

Chấn thương âm thanh do hành vi, thói quen

Chấn thương âm thanh do hành vi có liên quan đến thói quen hoặc hoạt động giải trí làm hao mòn dần dần hệ thống thính giác. Các hành vi, thói quen rủi ro bao gồm :

  • Đeo tai nghe để nghe nhạc với âm lượng lớn và trong thời gian dài
  • Cắt cỏ bằng máy mà không đeo thiết bị bảo vệ thính lực
  • Đi máy bay khi bị cảm lạnh hoặc bị viêm tai
  • Mò mẫm sửa chữa đồ đạc bằng máy móc gây ồn ào mà không đeo tai nghe khử tiếng ồn hoặc nút bịt bảo vệ tai.

Rõ ràng là chúng ta phải đặc biệt chú ý đến loại chấn thương âm thanh này vì chúng ta có trách nhiệm tự bảo vệ bản thân mình trước những tác động của những thói quen có hại cho thính lực.

Làm thế nào để điều trị điếc đột ngột ?

Ta có thể xác định phương pháp điều trị điếc đột ngột dựa theo nguồn gốc của tình trạng này. Thông thường, bác sĩ tai mũi họng sẽ kê đơn thuốc kháng viêm Corticoid cho người bệnh, nhằm cải thiện hoặc thậm chí loại bỏ hoàn toàn các triệu chứng sau vài ngày. Nếu bạn có chút nghi ngờ về khả năng nghe của mình sau chấn thương âm thanh hoặc trong trường hợp bị điếc đột ngột một bên tai hoặc cả hai bên tai, đừng chần chừ mà hãy đi khám gặp bác sĩ tai mũi họng càng sớm càng tốt.

Những đối tượng có nguy cơ bị điếc đột ngột là ai?

Ngay cả khi hiện nay, nguyên nhân gây ra điếc đột ngột vẫn chưa được xác định một cách cụ thể, chúng ta đã có thể xác định được một số yếu tố là nguyên nhân tạo điều kiện gây nên điếc đột ngột.

Nhiễm virus và viêm nhiễm là nguyên nhân phổ biến gây ra các vấn đề về thính giác (viêm tai giữa). Nếu tình trạng nghiêm trọng hơn thì có thể làm tổn thương vĩnh viễn cơ quan thính giác và dẫn đến suy giảm thính lực đột ngột.

Việc tai tiết quá nhiều ráy tai cũng có thể là nguyên nhân tạo ra nút ráy ta, tai bị bít tắc, dẫn đến suy giảm thính lực. Đây là tình trạng khá phổ biến và bác sĩ có thể dễ dàng xác định và điều trị nhanh chóng bằng cách loại bỏ nút ráy tai.

Các vấn đề về tuần hoàn máu được coi là nguy cơ lớn có thể gây suy giảm thính lực. Do đó, những người bị rối loạn tuần hoàn máu do bệnh lý hoặc lối sống không lành mạnh có nhiều khả năng bị suy giảm thính lực hơn. Ví dụ :

  • Những người hút thuốc lá
  • Những người bị thừa cân
  • Những người bị bệnh tiểu đường
  • Những người bị cao huyết áp
  • Những người có hàm lượng cholesterol cao

Phòng ngừa chấn thương âm thanh

Có một chế độ ăn uống cân bằng, thường xuyên chơi thể thao, không hút thuốc lá… đều là những thói quen tốt để bạn tạo cho mình một lối sống lành mạnh hơn, đồng thời cũng là để ngăn ngừa chấn thương âm thanh và bảo vệ thính lực của chính bản thân bạn. Còn một điều quan trọng nữa là cần bảo vệ đôi tai của bạn khỏi các chấn thương âm thanh có thể xảy ra bằng cách sử dụng nút bịt tai phù hợp khi đi xem hòa nhạc, khi thực hiện một số hoạt động như săn bắn hoặc đi máy bay.

Số điện thoại