Cơ chế hoạt động của đôi tai
Có nhiều nguyên nhân gây suy giảm thính lực nhưng điều đầu tiên chúng ta cần là phải hiểu được cơ chế hoạt động của thính giác. Vì sao người già là đối tượng thường bị suy giảm thính lực?
Khi xét đến chức năng và cơ chế hoạt động của các cơ quan rất nhỏ và vô cùng tinh vi trong tai, các cơ quan cần thiết để chúng ta có thể nghe được, chúng ta sẽ có thể hiểu được tại sao thính giác lại dễ bị suy giảm đến như vậy. Đôi tai hoạt động như thế nào ? Tai chúng ta tiếp nhận sóng âm thanh và chuyển đổi chúng thành các xung điện từ. Sau đó, tai tiếp tục dẫn truyền các xung động này lên não thông qua dây thần kinh thính giác. Tại đó, âm thanh, tiếng ồn và lời nói, từ ngữ được xử lý và diễn giải để chúng ta có thể hiểu được. Cụ thể hơn, âm thanh được truyền qua tai theo quy trình dưới đây : Vành tai (loa tai) tiếp nhận âm thanh, âm thanh được truyền đến tai giữa thông qua ống tai ngoài, khi đến tai giữa, sóng âm làm rung màng nhĩ – cơ quan có tính đàn hồi cao. Ở tai giữa, sóng âm được truyền qua những cơ quan cực kỳ nhỏ, được gọi là chuỗi xương con, gồm 3 xương : xương búa, xương đe và xương bàn đạp, nghe tên thì có vẻ là các xương này có kích thước khá lớn nhưng trên thực tế 3 xương này lại cực kỳ nhỏ và nhạy cảm, rất dễ bị tổn thương. Tiếp đến, âm thanh được truyền đến tai trong thông qua cơ quan được gọi là ốc tai. Bên trong ốc tai có cơ quan Corti và các tế bào lông cảm thụ âm thanh có kích thước cực kỳ nhỏ và mảnh. Các tế bào lông cảm thụ âm thanh đặc biệt quan trọng giúp chúng ta nhận thức được các âm thanh có tông trầm và tông cao. Khi tuổi tác con người ngày càng cao, các tế bào lông này ngày càng bị hao mòn, tiêu biến và chết đi, và đây là nguyên nhân phổ biến nhất gây suy giảm thính lực.