Bệnh xốp xơ tai, còn được gọi là rối loạn chuyển hóa xương ở vùng tai, là bệnh di truyền – do gen chi phối, dẫn đến sự thoái hóa của chuỗi xương con nằm ở tai giữa và cụ thể hơn là do xơ cứng, thoái hóa xương bàn đạp. Tỷ lệ mắc bệnh xốp xơ tai ở phụ nữ cao gấp đôi so với đàn ông, đây là căn bệnh không thể bỏ qua và điều quan trọng là phải tìm ra nguyên nhân và cách điều trị phù hợp.
Bệnh lý này về cơ bản có nguồn gốc di truyền : gần một nửa số người mắc bệnh là do gen di truyền và trong gia đình của họ có ít nhất một thành viên cũng mắc bệnh này. Sự tiến triển của bệnh diễn ra chậm nhưng những thay đổi nội tiết tố có khả năng cao ảnh hưởng đến tình trạng bệnh, chẳng hạn như đối với phụ nữ trong thời kỳ mang thai.
Bệnh lý này sẽ ảnh hưởng đến các xương nhỏ nhất của cơ thể con người, nằm ở tai giữa : xương bàn đạp, xương đe và xương búa. Vai trò của chuỗi xương con này là khuếch đại âm thanh do màng nhĩ tiếp nhận được. Bệnh xốp xơ tai gây ra tình trạng kẹt cứng khớp xương con và khiến chuỗi xương con không thể hoạt động bình thường và nhịp nhàng, do đó dẫn đến việc âm thanh không được tiếp tục truyền đi và sau đó là gây suy giảm thính lực.
Các triệu chứng của bệnh xốp xơ tai
Triệu chứng đầu tiên của bệnh này là sự giảm độ nhạy của thính giác. Điều này có nghĩa là, cũng giống như suy giảm thính lực, người bệnh ngày càng khó nghe một số âm thanh và một số câu cũng trở nên kém rõ ràng hơn. Ngoài ra, người bị bệnh xốp xơ tai có thể bị ù tai và đôi khi là bị chóng mặt.
Bệnh xốp xơ tai thường ảnh hưởng đến cả hai bên tai, nhưng đôi khi các triệu chứng phát triển nhanh hơn ở một bên tai.
Phương pháp điều trị bệnh xốp xơ tai
Để điều trị xốp xơ tai, các bác sĩ thường chỉ định phẫu thuật. Mục tiêu của phẫu thuật là thay thế xương bàn đạp bằng xương nhân tạo làm từ titan tương thích sinh học với cơ thể, trong khi phẫu thuật bệnh nhân sẽ được gây mê toàn thân.
Tuy nhiên, nếu bệnh nhân không muốn thực hiện phẫu thuật, đeo máy trợ thính có thể giúp cải thiện tình trạng suy giảm thính lực, nhưng cần biết rằng phương pháp này không thể giúp chữa khỏi bệnh. Trong mọi trường hợp, người bệnh vẫn luôn cần tham khảo ý kiến của bác sĩ tai mũi họng.